Storage Test/ Stability Test
Công đoạn quan trọng trong quá trình phát triển sản phẩm.
Trong quy trình phát triển sản phẩm, sau khi mẫu sản phẩm đạt được các yêu cầu đặt ra về ngoại quan (appearance) và hiệu quả (performance), chúng ta thường cho rằng có thể chốt công thức của sản phẩm.
Tuy nhiên theo thời gian với nhiều tác nhân tác động, sản phẩm có thể bị biến đổi (đổi màu, tách lớp, vón cục,thay đổi độ chảy, độ nhớt, nhiễm vi sinh…) làm hư hỏng và giảm hiệu quả của sản phẩm.
Vì vậy cần kiểm tra độ ổn định của sản phẩm từ đó đảm bảo độ an toàn và tính ổn định trong suốt tuổi thọ của sản phẩm trước khi chốt công thức sau cùng.
Đây cũng là bước quyết định thành công của một sản phẩm.
Tham khảo về các chất bảo quản
1. Chuẩn bị mẫu và các điều kiện lưu mẫu
Trước khi test, phải ghi nhận tất cả các số liệu của sản phẩm: màu, mùi, độ nhớt, giá trị pH,… Ngày nay, các bạn có thể kết hợp với chụp ảnh sản phẩm trước khi lưu mẫu để có thể theo dõi, đánh giá sản phẩm dễ dàng hơn.
Lưu trữ sản phẩm trong 5 điều kiện khác nhau trong một khoảng thời gian nhất định để so sánh với nhau và với các loại bao bì khác nhau.
- Sản phẩm: sau khi hoàn tất cần được để ổn định từ 1-7 ngày trước khi vào quy trình Storage test. Điều này giúp các thành phần nguyên liệu thật sự ổn định ví dụ như hệ nhũ, huyền phù, hương…
Số lượng mẫu tùy thuộc vào thời gian, điều kiện và tần suất kiểm tra mẫu.
- Bao bì: cho vào Storage test bao bì thật của sản phẩm và lọ thủy tinh. Điều này sẽ giúp nhận biết được ảnh hưởng của bao bì lên sản phẩm. Các bạn có thể sử dụng hũ nhựa trong suốt để thay thế lọ thủy tinh. Tuy nhiên, cần lưu ý là sản phẩm cũng có thể phản ứng với hũ nhựa trong suốt.
- Điều kiện Storage test:
6oC (tủ lạnh) – thường được coi như là mẫu chuẩn.
Nhiệt độ phòng (phòng thoáng mát) – Mẫu ở nhiệt độ phòng
37oC, 45oC và dưới ánh nắng (giống điều kiện của các store bán thực tế)
Tuy nhiên trong thời gian Storage test cũng có trường hợp Mẫu chuẩn bị thay đổi, thay vào đó dùng Mẫu ở nhiệt độ phòng để làm mẫu chuẩn để so sánh, nhưng tốt nhất là so sánh với ghi nhận ban đầu trước khi cho vào Storage test.
Hiện nay, chưa có một hướng dẫn hay phương pháp cụ thể để đánh giá độ ổn định của sản phẩm. Mỗi nhà sản xuất có thể quyết định điệu kiện và thời gian kiểm tra/lưu mẫu tùy theo mức độ rủi ro của sản phẩm, điều kiện trưng bày, thời tiết của thị trường sản phẩm được bán. Phương pháp kiểm tra độ ổn định ở nhiệt độ cao hiện tại là phương pháp phổ biến để dự đoán độ ổn định lâu dài của sản phẩm. Nhiều nhà sản xuất mỹ phẩm hiện nay tiến hành kiểm tra độ ổn định của sản phẩm ở hai điều kiện 37oC, 45oC
Nếu sản phẩm ổn đinh ở 45oC trong vòng 3 tháng được dự đoán sẽ ổn định ở nhiệt độ phòng trong 2 năm.
Nếu sản phẩm ổn đinh ở 37oC trong vòng 3 tháng được dự đoán sẽ ổn định ở nhiệt độ phòng trong 1 năm.
Điều kiện In light để kiểm tra độ ảnh hưởng của ánh sáng mặt trời lên độ ổn định của sản phẩm. Đặt ở nơi có ánh sáng mặt trời chiếu vào, có thể một nắng/ngày (nắng sáng hoặc nắng chiều) hoặc vị trí có 2 nắng tùy vào yêu cầu của sản phẩm, store bày bán.
- Thời gian lưu trữ:
Thời gian lưu trữ tùy theo mỗi nhà sản xuất thiết kế phương pháp kiểm tra độ ổn định. Nếu doanh nghiệp áp dụng theo phương pháp nhiệt độ cao, thông thường sau 3 tháng, nếu sản phẩm ổn định ở 45oC thì có thể đưa ra thị trường. Tuy nhiên vẫn cần tiếp tục lưu trữ thêm 3 tháng để theo dõi. Sau 6 tháng chỉ cần lưu mẫu ở nhiệt độ thường để kiểm tra và đối chứng. Mẫu lưu này chỉ được hủy sau khi hết tuổi thọ của sản phẩm, thường là hai năm cho đa số sản phẩm chăm sóc cá nhân và nhà cửa.
2. Đánh giá kết quả:
- Thời gian và tần suất:
- Thời gian đánh giá: 1 tuần, 2 tuần, 3 tuần, 4 tuần, 8 tuần, 12 tuần, 24 tuần…
- Tần suất đánh giá sẽ giãn ra theo thời gian. Tuy nhiên với những sản phẩm có nguy cơ cao có thể giữ nguyên tuần suất.
- Đánh giá so sánh mẫu:
Các mẫu được lấy ra từ các tủ lưu mẫu và giữ ở nhiệt độ phòng trong vòng một ngày để tất cả các mẫu đều ổn định nhiệt độ sau đó thực hiện đánh giá.
-
- Đánh giá sản phẩm về ngoại quan (Độ đục, thay đổi màu sắc, mùi hương…) và biến đổi sản phẩm (tách lớp, lắng cặn, vón cục, nhiễm vi sinh, độ nhớt, độ chảy,…)
- Các chỉ tiêu đo lường thực hiện bằng các thiết bị chuyên dụng.
- Các chỉ tiêu cảm quan được đánh giá theo thang điểm của riêng mỗi nhà sản xuất (thường các nhà sản xuất chọn đánh giá trên thang điểm 5 hoặc thang điểm 10)
- Quyết định kết quả đạt hay không đạt:
Thông thường, nhiều nhà sản xuất dựa vào kết quả sau 3 tháng ở điều kiện 45oC, nếu mẫu ổn định xem như đạt độ ổn định. Nếu kết quả không đạt yêu cầu hoặc có điểm nghi vấn thì cần các nghiên cứu/kiểm tra khác bổ sung để xác định độ ổn định của sản phẩm/công thức hoặc yếu tố nào làm sản phẩm không ổn định để tìm ra giải pháp khắc phục.
Tuy nhiên, việc quyết đinh một sản phẩm/công thức có đạt độ ổn định hay không hoàn toàn tùy thuộc vào mỗi nhà sản xuất dựa trên đánh giá độ rủi ro, mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng, điều kiện trưng bày, phân phối của sản phẩm.
Lưu ý, kiểm tra độ ổn định của sản phẩm cần được tiến hành khi:
- Phát triển sản phẩm mới.
- Thay đổi công thức cho một sản phẩm đã bán trên thị trường.
- Thay đổi quy trình sản xuất hoặc sản phẩm được sản xuất ở một địa điểm mới
- Thay đổi bao bì